Cũng giống như các động vật giáp xác nhỏ chân mang khác, Artemia có khả năng hình thành các phôi ngủ, được gọi là các “bào xác”. Tức khi gặp điều kiện bất lợi về môi trường, Artemia phóng thích trứng dưới dạng “bào xác”. Trong điều kiện khô, những bào xác này không hoạt động và không phát triển, sự phát triển của phôi tạm thời bị gián đoạn – “phôi ngủ”. Cho đến khi gặp môi trường thuận lợi: các bào xác chìm vào nước biển, chúng hút nước, phôi bắt đầu sự chuyển hóa để phát triển trở lại. Vì thế sau khi ấp trứng bào xác Artemia trong nước biển có sục khí nhẹ khoảng 20 giờ, các bào xác nở thành ấu trùng nauplius. Như vậy, Artemia có thể sinh sản bằng 2 phương thức, tùy vào điều kiện môi trường sống.
Phương thức đẻ con: trứng thụ tinh sẽ phát triển thành ấu trùng nằm trong dạ con, sau đó được con cái phóng thích ra ngoài môi trường nước.
Phương thức đẻ trứng: trứng thụ tinh và phôi chỉ phát triển đến một giai đoạn phôi vị thì tạm ngừng lại (phôi ngủ), phôi được bao bọc một lớp vỏ dày tạo thành trứng nghỉ (còn gọi là trứng bào xác), sau đó được con cái phóng thích ra ngoài.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy hàm lượng oxy hòa tan, độ mặn, biên độ dao động oxy và hàm lượng chất sắt trong thức ăn là các yếu tố quyết định phương thức sinh sản của Artemia. Cụ thể, trong điều kiện hàm lượng oxy hòa tan cao tương ứng với độ mặn thấp, biên độ dao động oxy hòa tan thấp và thức ăn nghèo chất sắt thì Artemia có khuynh hướng đẻ con và ngược lại, trong điều kiện độ mặn quá cao, hàm lượng oxy hòa tan thấp, biên độ dao động oxy hòa tan lớn, thức ăn giàu sắt thì Artemia có khuynh hướng đẻ trứng bào xác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng cho rằng nhiệt độ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến phương thức sinh sản (đẻ con hay trứng) của Artemia.
Mỗi Artemia cái có thể đẻ 1.500 – 2.500 con/trứng bào xác.