Quy trình chứng nhận GLOBAL GAP

Bước đầu tiên trong quá trình chứng nhận GLOBAL GAP, nhà sản xuất phải lựa chọn một tổ chức chứng nhận được GLOBAL GAP có năng lực, uy tín và thoả mãn điều kiện tiên quyết là đã được công nhận.
Quy trình chứng nhận  GLOBAL GAP
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà sản xuất biết GLOBAL GAP như một tiêu chuẩn sản xuất an toàn giúp đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, cũng như là chìa khóa giúp sản phẩm xuất khẩu được ra các thị trường khó tính. Tuy nhiên, do số lượng các nhà sản xuất đăng ký chứng nhận trên thực tế còn rất ít và thực tế cho thấy phần lớn các nhà sản xuất vừa và nhỏ vẫn còn gặp những trở ngại nhất định trong quá trình đăng ký, đánh giá chứng nhận theo GLOBAL GAP. Trong bài viết này, Công ty TNHH Tư vấn Khoa học và Công nghệ KIS xin giới thiệu những nội dung cơ bản về quá trình chứng nhận GLOBAL GAP để giúp giải đáp các câu hỏi trên.
globalgap quy chinh chung nhan

 1. Lựa chọn tổ chức chứng nhận:
Bước đầu tiên trong quá trình chứng nhận GLOBAL GAP, nhà sản xuất phải lựa chọn một tổ chức chứng nhận được GLOBAL GAP có năng lực, uy tín và thoả mãn điều kiện tiên quyết là đã được công nhận.
Danh sách các tổ chức này, kèm theo phạm vi chứng nhận,  được đăng tải trên trang web của GLOBAL GAP. Tổ chức được chọn phải có phạm vi được công nhận phù hợp với sản phẩm nhà sản xuất muốn được chứng nhận. Theo kinh nghiệm của KIS cho thấy, các nhà sản xuất có thể yêu cầu tổ chức tư vấn hỗ trợ lựa chọn và làm việc với tổ chức chứng nhận. Việc này giúp tiết kiệm thời gian cho nhà sản xuất và giúp lựa chọn được tổ chức chứng nhận phù hợp nhất.
Tổ chức chứng nhận có trách nhiệm đăng ký thông tin của nhà sản xuất lên cơ sở dữ liệu của GLOBAL GAP, cập nhật thông tin, và thu các loại phí theo quy định.
Hợp đồng của nhà sản xuất và tổ chức chứng nhận có thể có hiệu lực đến 4 năm, và sau đó có thể được gia hạn thêm 4 năm.

2. Nộp đơn đăng ký chứng nhận
Nhà sản xuất phải điền đầy đủ các nội dung cần thiết trong đơn đăng ký chứng nhận, và có thể lựa chọn 1 trong các phương thức chứng nhận sau:
+ Phương thức 1: Dành cho nhà sản xuất đơn lẻ, bao gồm:
Nhà sản xuất đơn lẻ tại một địa điểm sản xuất.
Nhà sản xuất đơn lẻ hoặc một tổ chức sở hữu nhiều điểm sản xuất và không áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL),
Nhà sản xuất đơn lẻ hoặc một tổ chức sở hữu nhiều điểm sản xuất với HTQLCL.
+ Phương thức 2: Dành cho một nhóm các nhà sản xuất có cùng 1 tư cách pháp nhân và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.
Trên lý thuyết, nhà sản xuất có thể đăng ký chứng nhận thông qua đánh giá đối chuẩn (Benchmarked scheme). Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có  một tiêu chuẩn đủ điều kiện để đánh giá theo phương thức này.
Khi nộp đơn đăng ký chứng nhận cho tổ chức chứng nhận, nhà sản xuất cam kết luôn tuân thủ các Quy định chung của GLOBAL GAP, kể cả các quy định về phí chứng nhận, và các Tiêu chí phù hợp áp dụng cho sản phẩm chứng nhận.
Sau khi nhận được đơn đăng ký đầy đủ, tổ chức chứng nhận có trách nhiệm xác nhận đăng ký, và thông báo mã số GLOBAL GAP (GGN) cho nhà sản xuất.

3. Đánh giá chứng nhận
Đối với nhà sản xuất đăng ký theo phương thức 1 – nhà sản xuất đơn lẻ tại một điểm sản xuất, hoặc sở hữu nhiều điểm sản xuất nhưng không áp dụng HTQLCL, đoàn đánh giá chứng nhận sẽ đánh giá toàn bộ phạm vi đăng ký tại tất cả các điểm sản xuất.
Đối với nhà sản xuất đăng ký theo phương thức 2, hoặc theo phương thức 1 nhưng có áp dụng HTQLCL, đoàn đánh giá sẽ đánh giá HTQLCL, cùng với ít nhất căn bậc 2 tổng số điểm sản xuất (hoặc tổng số các nhà sản xuất) đăng ký chứng nhận.
Nhà sản xuất sẽ phải đáp ứng 100% các Tiêu chí phù hợp chính yếu (Major) và ít nhất 95% các Tiêu chí phù hợp thứ yếu (minor). Các điểm khuyến nghị là không bắt buộc, tuy nhiên có thể được nâng cấp thành các Tiêu chí phù hợp trong các phiên bản sau.
Tổ chức chứng nhận sẽ ra quyết định chứng nhận chậm nhất 28 ngày sau khi nhà sản xuất khắc phục các điểm không phù hợp tìm thấy trong cuộc đánh giá chứng nhận. Trong trường hợp không có điểm không phù hợp nào được ghi nhận, quyết định chứng nhận sẽ được đưa ra chậm nhất 28 ngày sau ngày đánh giá.

4. Tái chứng nhận
Chứng nhận theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP sẽ có giá trị trong thời gian 12 tháng. Trước khi chứng nhận hết hạn, nhà sản xuất phải liên hệ với tổ chức chứng nhận để đánh giá tái chứng nhận nếu muốn gia hạn chứng chỉ. 
Cuộc đánh giá tái chứng nhận có thể diễn ra trước khi chứng nhận hết hạn 8 tháng, hoặc sau thời điểm hết hạn 4 tháng (chỉ khi tổ chức chứng nhận gia hạn chứng nhận với lý do hợp lý).

 

Tác giả bài viết: Văn phòng KIS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây