GlobalGAP là gì?
Tiêu chuẩn EUREPGAP là sáng kiến của các nhà bán lẻ Châu Âu, được thành lập năm 1997 viết tắt là EUREP (Euro-Retail Produce) với mục tiêu đưa ra các tiêu chuẩn và thủ tục nhằm phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Vào tháng 9/2007 tại Thái Lan thành viên của tổ chức EUREPGAP đã thống nhất chuyển từ EUREPGAP sang GLOBALGAP.
Thực hành nông nghiệp tốt GAP bao gồm việc sản xuất theo hướng lựa chọn địa điểm, việc sử dụng đất đai, phân bón, nước, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, đóng gói, tồn trữ, vệ sinh đồng ruộng và vận chuyển sản phẩm, v.v. nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững với mục đích chính đảm bảo rằng:
1. An toàn cho thực phẩm
2. An toàn cho người sản xuất
3. Bảo vệ môi trường
4. Truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm
GlobalGAP là một tổ chức đã thiết lập các tiêu chuẩn tự nguyện để chứng nhận các sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu. GlobalGAP đã trở thành một hệ thống đảm bảo chất lượng ngày càng quan trọng cho sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.Trong những năm trước đây, GlobalGAP được thị trường tiêu thụ coi là một tiêu chuẩn tiên tiến, song ngày nay, GlobalGAP có thể được coi là một yêu cầu đương nhiên phải có khi các nhà sản xuất muốn xuất khẩu nông sản được tới các thị trường đòi hỏi chất lượng cao và đương nhiên GlobalGAP cũng giúp các sản phẩm đạt giá tiêu thụ cao so với sản phẩm tương tự không chứng minh được nguồn gốc, sự an toàn và chất lượng.
Ngắn gọn về các bộ tiêu chuẩn GLOBALGAP
Hiện nay, Tổ chức GlobalGAP đã ban hành các bộ tiêu chuẩn chính áp dụng cho các nhóm đối tượng nông sản và các hoạt động khác nhau, nổi bật gồm có các nhóm chính: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, cây giống, thức ăn chăn nuôi, vận chuyển vật nuôi và một số tiêu chuẩn bổ trợ khác như tiêu chuẩn về chuỗi hành trình sản phẩm (chain of custody), phúc lợi động vật (animal welfare), đánh giá rủi ro về thực tiễn xã hội (risk assessment on social practice)…
Tuỳ theo thực tế sản xuất và nhu cầu Với từng tổ chức, công ty, nhóm sản xuất để quyết định áp dụng nhóm tiêu chuẩn nào cho phù hợp. Chi tiết về các bộ tiêu chuẩn này sẽ được KIS giới thiệu ở các bài viết khác.
Thực tế áp dụng GLOBALGAP ở Việt Nam
Từ ngày 01/09/2009, EU áp dụng đồng bộ những tiêu chuẩn mới nhằm hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm trên toàn châu Âu, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nới lỏng thương mại và nhập khẩu. Luật dư lượng thuốc trừ sâu của EU liệt kê khoảng 1.100 loại được sử dụng trong nông nghiệp trong và ngoài EU. Nguyên tắc quan trọng của luật mới này là an toàn thực phẩm sẽ được ưu tiên hơn bảo vệ thực vật.
Trong những năm gần đây, Nhà nước và các bộ, ngành hữu quan đã quan tâm nhiều đến Tiêu chuẩn sản xuất tốt trong nông nghiệp (GAP) và Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tuy vậy, theo số liệu của Cục bảo vệ thực vật (năm 2008) thì diện tích sản xuất nông nghiệp theo quy trình an toàn (GAP) của cả nước mới chỉ đạt khoảng 5%. Xuất phát từ thực tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành nông nghiệp ở Việt Nam, ngày càng có nhiều công ty, nhóm sản xuất, hợp tác xã hay hộ dân có nhu cầu áp dụng Global GAP cho cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản… nhằm hướng tới thị trường khó tính như Hoa kỳ, Châu Âu, Úc, Nhật Bản… để đẩy mảnh sản xuất và nâng cao giá trị cho sản phẩm. Dưới đây là một số ví dụ ngắn gọn về các tổ chức đã áp dụng thành công Global GAP:
Công ty Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) đã sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với qui mô 80 ha (gồm 3 trang trại Hoàng Hậu 45 ha, trang trại Xuân Vinh 22,5 ha và trang trại Ngọc Lê 18 ha) và đã xây dựng nhà đóng gói theo tiêu chuẩn BRC của Châu Âu trên cơ sở liên kết với các trang trại sản xuất thanh long GlobalGAP, hàng năm công ty này đã xuất khẩu thanh long với giá trị kim ngạch gần 5 triệu USD.
HTX xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) đang sản xuất xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hiện nay HTX đã ký hợp đồng với công ty Sanatra của Nhật Bản xuất khẩu mỗi tháng 5-10 tấn xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với thời gian cung ứng liên tục từ 5-7 tháng/năm (Cục Trồng trọt, 2012).
Ngoài ra, ở Đồng bằng sông Cửu Long còn có Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim với diện tích 7ha đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Như vậy để có thể thâm nhập vào thị trường EU, Hoa Kỳ và một số nước khác thì phải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP mới có thể mở rộng thị trường được. Do đó, GlobalGAP là cần thiết và ngày càng trở nên quan trọng- GlobalGAP như là một “giấy vào cửa cơ bản” mà Nhà cung cấp phải trình cho các Nhà bán lẻ, Nhà nhập khẩu, và các Nhà chế biến tại các quốc gia mà nhà sản xuất nông sản hướng tới. Hiện tại, một số sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP ở nước ta như: Vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, khóm Tân Lập (Tiền Giang), chôm chôm Chợ Lách (Bến Tre) v.v... đều nhận được tín hiệu tốt từ thị trường trong và ngoài nước.